Trong một trại chăn nuôi, vôi bột thường được dùng để tẩy uế chuồng trại, rắc trên và dưới xác thú bệnh chết trước khi lấp đất chôn thú, tẩy trùng lối ra vào trại, quét tường, máng ăn, máng uống để sát trùng … Ngoài các công dụng trên vôi còn có thể được dùng vào các mục đích như sau:
1. Rải trực tiếp sát trùng trên nền chuồng đang nuôi súc vật, cách này giúp tiêu độc chuồng trại trong lúc heo bệnh, heo nái mới đẻ, heo con không cần bỏ trống chuồng mà vẫn đảm bảo việc tẩy trùng tốt đồng thời không gây tổn hại cho heo nuôi.
- Đối với những chuồng nái mới sinh xong úm con, quét sạch chuồng, lấy vôi bột rải lên các vùng ẩm ướt của nền chuồng, dùng chổi quét cho đều khắp nền chuồng, các lỗ đọng nước trên nền chuồng và hóc vách cần được gom nhiều vôi bột vào đó, các nơi dính máu, nhớt hậu sản cũng cần được tẩy bằng cách rắc vôi bột như vậy. Sau đó rải một lớp rơm khô cho nái và heo con nằm. Hàng ngày chú ý sát trùng nước hậu sản bài thải ra từ âm đạo nái xuống nền chuồng cũng bằng vôi bột. Cách tẩy uế nền chuồng kỹ như vậy sẽ giúp khống chế được vi sinh vật gây bệnh từ nền chuồng lan sang vú nái (lúc nái nằm trên nền chuồng) nhất là nái viêm tử cung có mủ để truyền bệnh cho heo con. Nếu không rải vôi, nền chuồng ô nhiễm nhiều vi sinh vật độc, qua vú nái truyền bệnh đường ruột hoặc nhiễm vào cuống rốn của heo con. Vôi còn có công dụng hút ẩm sát trùng ở hốc ngách, kẽ nứt, các lỗ đọng nước trên nền chuồng, nhờ đó vi sinh vật không đủ độ ẩm để phát triển mật số gây bệnh.
- Đối với những chuồng heo nái nuôi con từ 1 tháng tuổi trở lên hoặc chuồng heo thịt, nái chửa, heo cai sữa, sau khi rửa sạch nền, dùng 1kg vôi bột cho 4m2 – 6m2 chuồng, rải lên, hòa thêm một ít nước, dùng chổi tàu cau quét trang cho ướt đều nước vôi trên nền chuồng. Khéo hòa nước vừa đủ ẩm để vôi thấm ướt đều trên nền chuồng mà vẫn mau khô và heo có thể nằm trực tiếp trên nền ngay mà không có ảnh hưởng gì bất lợi, trừ khi để đọng nước vôi nhiều có thể làm da bị chết, bong ra sau 3-4 ngày.
Ngoài lợi ích về mặt thú y hai cách sát trùng trên đây còn giúp làm bít các kẽ nứt rạn nhỏ ở nền chuồng nhờ vôi có đặc điểm hóa hợp với các chất khác thành một loại xi măng thiên nhiên hoặc đá vôi kết dính.
Nước vôi trong : Pha 10kg vôi cho 100 lít nước để lắng trong một bể chứa, ta được nước vôi trong trên mặt luôn luôn có một lớp váng kết tủa của hidroxit canxi (Ca(OH)2) với khí CO2 của khí trời thành CaCO3. Nước vôi trong có nhiều công dụng:
a. Dùng rửa tay chân cho người chăm sóc, cán bộ kỹ thuật điều trị… vừa sát trùng nhẹ vừa tẩy mùi thối của phân, máu tanh, mùi hôi của mủ, mùi khai của nước tiểu, mùi hăng của tinh dịch đực giống… Nếu rửa một lần không mất mùi hôi nặng thì có thể dùng vôi bột chà xát lên tay vơi 1 ít nước trong 5 phút, rửa lại bằng nước vôi trong, vừa có gái trị sát trùng mạnh vừa tẩy mùi hôi mà không làm hại da.
Trong một trại heo cần có nhiều bể nước vôi như vậy để người vào ra chuồng, chăm sóc heo rửa tay là công cụ bảo hộ lao động vừa kiểm soát được vi trùng lây lan bệnh hỗ tương giữa người và gia súc.
b. Nước vôi trong được dùng tẩy uế vùng âm hộ, hộ âm, bộ vú heo nái trước và sau khi đẻ, nếu thiếu thuốc sát trùng có thể tạm dùng để rửa tay chân trước khi can thiệp móc thai, cũng như ngân sát trùng các dụng cụ đỡ đẻ như dao kéo, kìm bấm răng, kìm bấm tai… (Chú ý các hợp kim nhôm kỵ với nước vôi).
c. Nước vôi trong có khả năng tẩy màu thuốc đỏ, thuốc tím (KMnO4), thuốc Xanh Metylen vấy nhiễm vào tay chân. Nhưng các thuốc này nếu bám vào vải thì hiệu lực tẩy màu ít hơn. Màu của cồn Iốt cũng bị nước vôi tẩy đi khi dính trên da.
d. Nước vôi trong có tác dụng cung cấp chất vôi cho heo con bị tiêu chảy vì mẹ quá nhiều sữa con bú không tiêu hóa sữa kịp. Liều dùng 1-2ml/con, ngày 2-3 lần (heo 18-30 ngày tuổi).
3. Diệt rong rêu: Bể chứa nước phát sinh nhiều rong xanh, màu xanh đục do phiêu sinh thực vật phát triển nhiều có thể diệt bằng cách đổ vào bể 1-2 kg vôi bột cho 1m3 nước cho (vài giờ sau nước sẽ trong vắt) có giá trị vừa diệt trùng vừa cung cấp thêm chất vôi vào nước cho heo ăn uống. Những nơi có nhiều rong xanh phát triển dùng vôi hòa nước (vôi tôi 10-20%) quét, rong rêu sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng.
4. Diệt giòi: Trên các đống phân heo ủ thế nào cũng có ruồi đẻ trứng, trứng nở sinh giòi, giòi đục trong đống phân ăn chất bã, tạo ra những lỗ xốp chui rúc dưới sâu rất khó diệt. Ủ phân bằng phương pháp nhiệt sinh vật cũng không loại trừ được sự sinh trưởng của giòi vì giòi luôn sống ở lớp mặt đống phân. Sau khi phát triển trên đống phân từ 3-5 ngày, giòi trở nên màu vàng đục trong ruột không còn chất bã à chứa đầy chất dự trữ, giòi bò khỏi đống phân tìm hang hốc khô, kín đáo, mát để làm kén hóa nhộng và sống tiềm sinh 1-3 ngày nữa để nở thành ruồi.
Phun thuốc để diệt giòi trên đống phân rất khó và tốn vì giòi chui rút ẩn sâu. Biện pháp tốt nhất để diệt giòi ở đống phân là dùng 1kg vôi bột pha 10-15 lít nước quậy đều rồi dùng ca múc tưới đều lên mặt đống phân có dấu vết giòi ẩn sâu, giòi sẽ ngoi lên mặt đống phân và chết sau 10-15 phút. Nếu tìm được hang hốc nào giòi trú ẩn để chuẩn bị làm kén thì tưới nước vôi vào có hiệu quả hơn vì giai đoạn này chúng tập trung rất đông và nhạy cảm nước vôi hơn, cử động lẫn tránh nước vôi chậm chạp hơn. Giòi ngoi lên trên mặt đống phân, ngoi lên trên mặt hang hốc ẩn náu làm kén để chết giúp ta có thể tận thu xác giòi vào mục tiêu nuôi gia cầm, nuôi cá nhất là giai đoạn giòi tập trung chất dinh dưỡng, loại hết cặn bã trong thân mình để chuẩn bị làm kén thì rất tốt, lúc ấy không còn nhiều vi trùng xấu đã qua xử lý nước vôi khử đi nhiều tạp trùng có hại từ phân bám vào xác giòi (khi giòi chết dùng chổi cau quét nhẹ để gom xác giòi trên mặt đóng phân).